Thật ra các cụ ngày xưa dạy rất hay, mà ít ai biết nó có cơ sở khoa học đàng hoàng
“Sợ vợ” không phải có gì đáng xấu hổ, mà thực ra rất thông minh. Khoa học có những nghiên cứu hẳn hoi ủng hộ điều này. Cứ nhắc đến cụm từ “sợ vợ” là các ông nhăn mặt, phản ứng như thể bị chọc vào lòng tự trọng, vào oai nghi của đàn ông vậy. Thực chất, biết nể vợ, nghe vợ, chiều vợ đúng lúc lại là "bí kíp" không những ấm êm cửa nhà mà còn giúp các ông sống khỏe sống thọ.
❓❓❓Vì sao đàn ông ngại bị nói là “sợ vợ”?
Truy về gốc rễ, đàn ông lớn lên trong môi trường coi trọng “quyền uy nam giới”. Từ nhỏ đã nghe những câu như: “Đàn ông là trụ cột gia đình”, “Đàn ông phải có tiếng nói”. Thế nên việc bị gọi là “sợ vợ” chẳng khác nào bị tước đi “uy quyền” trong mắt thiên hạ. Nhưng thực ra, không ai bảo các ông phải sợ vợ theo kiểu bị ăn hiếp, không dám làm gì hay mất hết giá trị của bản thân. Mà là biết nhường nhịn, không hung hăng bạo lực, biết tránh giông bão, biết giữ hòa khí trong nhà, và nhất là, tôn trọng và ghi nhận những đóng góp mà phụ nữ đã dành thời gian, tâm sức chăm lo cho gia đình. Nhưng nhiều khi, người ta dùng cùng một từ "sợ vợ" để nói về những tình huống vô cùng khác nhau, khiến cho người ta hiểu lầm hoặc mải mê tranh cãi, chống cự. Nếu nói là "nể" thì chính xác hơn, hoặc là "tôn trọng" thì đúng tinh thần hơn.
❓❓❓Vì sao đàn ông "nên" sợ vợ?
🌱Lý do thứ 1: Sự khác biệt tự nhiên: Phụ nữ giỏi hơn ở những lĩnh vực khác đàn ông Có một thực tế không cần cãi: phụ nữ có khả năng sắp xếp, quản lý không gian sống và nhớ vị trí đồ vật tốt hơn đàn ông (nghiên cứu đã chứng minh). Thử để vợ đi công tác 3 ngày mà xem: - Gạo để đâu không biết. - Cái tất rơi dưới đất ở đâu 7 ngày sau còn nguyên ở đó - Ăn hết đồ trong tủ lạnh là gọi đồ về ăn, hoặc ăn ngoài. Có đồ ăn sống nhưng cũng không buồn nấu. - Bát đĩa chắc dồn 5 ngày cũng được. Chưa hết bát ăn chưa phải rửa. - Quần áo cũng chất đống không giặt, mặc đi mặc lại. - Cá biệt có ông cả tuần không tắm. Không phải các ông kém, mà là bộ não và cách nuôi dạy từ nhỏ đã khiến các ông thành như vậy 🫠. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) từng cho thấy: phụ nữ có khả năng quan sát và nhớ vị trí đồ vật trong nhà tốt hơn đàn ông khoảng 35%. Vậy nên, việc biết nể vợ trong chuyện nhà cửa là khôn ngoan, giống như ngoài đời mình biết nể người giỏi hơn mình ở lĩnh vực khác vậy. Cứ nghĩ mình đi làm việc lớn cả ngày, vợ ở nhà có phải làm gì đâu là sai lầm. Cho đổi vai ở nhà vài ngày vào vai Cô Tấm thử xem có làm nổi không, hay lại sợ mất dép 😆 🌱Lý do thứ 2: Một điều nhịn, thêm nhiều tuổi thọ Không chỉ chuyện nhà cửa, mà trong đời sống hôn nhân, đàn ông biết lắng nghe, tôn trọng vợ cũng có lợi ích rất thực tế. Một nghiên cứu trên Journal of Marriage and Family (2021) cho thấy: Những người đàn ông có thái độ biết lắng nghe và tôn trọng bạn đời có nguy cơ stress thấp hơn 22%, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ đến 14% so với những ông “chủ nhà” cố chấp. Thêm một nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra: Gia đình mà người chồng chịu khó chia sẻ việc nhà, nhún nhường đúng lúc, chất lượng hôn nhân và sự hài lòng của cả hai vợ chồng đều cao hơn hẳn. Tóm lại: nể vợ, biết điều chẳng những giúp nhà cửa yên ấm, vợ vui, con hạnh phúc mà còn tốt cho tim mạch và tuổi thọ. 🌱Lý do thứ 3: Phụ nữ có khả năng giao tiếp, kết nối và ngoại giao tự nhiên tốt hơn nam giới Theo các nghiên cứu về tâm lý và thần kinh học, bộ não của phụ nữ được cấu tạo để có khả năng kết nối giữa hai bán cầu tốt hơn nam giới. Điều này giúp họ xử lý các tình huống giao tiếp, tinh tế hơn trong việc đọc cảm xúc, suy nghĩ cho người khác và duy trì các mối quan hệ xã hội, từ gia đình nhỏ đến họ hàng nội ngoại hai bên, hàng xóm, thậm chí cả đồng nghiệp của chồng. Chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà, từ việc cưới hỏi, giỗ chạp, sinh nhật, đám tang, đến việc kết nối với nhà nội, nhà ngoại, họ hàng xa gần… hầu hết đều qua tay các bà vợ. Họ biết ai hợp tính ai, ai nên tránh ai, người nào cần nhắc nhở nhẹ nhàng, ai cần nói thẳng, và xử lý mọi thứ sao cho không ai mất lòng. Đi đám giỗ hay đám cưới nào, ít khi thấy ông chồng nhớ mua hoa quả hay quà tặng gì, mà phần lớn là các bà vợ chủ động hoặc nói cho mới biết. Con cái đi học, phụ huynh họp lớp, giao tiếp với cô giáo, hay xử lý chuyện con cái mâu thuẫn với bạn… phần lớn là mẹ đứng ra, bởi mẹ nói khéo, nắm tâm lý người đối diện tốt hơn. Ngay cả ở nhà, có việc gì con cũng tìm mẹ, hỏi mẹ, tâm sự với mẹ nhiều hơn. Hỏi đến bố thì vừa sợ vừa... nghi ngờ khả năng tư vấn tâm lý của bố. Các bà mẹ thường là người chăm lo các mối quan hệ họ hàng gần xa, ông bà bố mẹ cho đến con cái... mà việc nào cũng chu toàn không phải là chuyện đơn giản, mà các ông dù công to việc lớn thế nào, cũng chưa chắc đã quán xuyến và thu xếp nổi. Dù không phải đàn ông nào và phụ nữ nào cũng như vậy, nhưng có những khác biệt rõ ràng trong bản năng của hai giới cộng với quá trình xã hội hóa: từ nhỏ con gái được dạy biết quan tâm, để ý cảm xúc người khác hơn con trai. Lớn lên, họ quen việc đứng giữa các mối quan hệ, dung hòa, kết nối và giữ gìn hòa khí cho gia đình hai bên. Thế nên mấy ông chồng đừng ngại mà sợ vợ. Đó là đang nương vào một “bộ ngoại giao” cực kỳ hiệu quả và miễn phí mà ông trời ban cho nhà mình đấy. ---
🌻🌻🌻Tóm lại, biết “sợ vợ” có những lợi ích gì?
1. Nhà cửa yên ổn, mà vợ vui thì mình cũng nhẹ đầu Một gia đình mà người chồng biết nhường nhịn khi cần, không cố gân cổ cãi lý vô ích, thì ấm êm hơn hẳn. Nhiều ông gan lì, thích thể hiện, kết quả là trong nhà thành chiến trường, vợ ông thì cau có cáu gắt mà ông cũng mệt mỏi chán nản. Ai cũng biết phụ nữ vui thì không khí trong nhà tự nhiên thoải mái hơn hẳn, bữa cơm ngon hơn, con cái vui hơn, mà mình cũng đỡ căng thẳng. 2. Sức khỏe cải thiện Như các nghiên cứu phía trên, đàn ông biết lắng nghe, nể vợ sống thọ hơn và ít stress hơn. Đấy là bài thuốc phòng bệnh không cần viên thuốc nào. Nhớ lại mà xem, hôm nào vợ chồng cãi nhau có phải là mệt mỏi cạn kiệt năng lượng chẳng làm được cái gì ra hồn không :) 3. Con cái hạnh phúc, học được cách tôn trọng phụ nữ Trẻ con lớn lên trong gia đình cha mẹ biết nhường nhịn, tôn trọng nhau thì cũng sẽ học được cách đối xử tử tế với bạn đời sau này. Không chỉ trong mối quan hệ lãng mạn, mà kĩ năng kết nối cảm xúc và giao tiếp có thể áp dụng trong mọi mối quan hệ để có thành công trong cuộc sống.
❓❓Làm thế nào để “sợ vợ” mà vẫn giữ được oai?
Điều quan trọng là đổi cách hiểu về chữ “sợ”. Ở đây không phải sợ kiểu bị ăn hiếp, mà là biết nể người giỏi hơn mình ở những khía cạnh nhất định. Biết nhường để giữ hòa khí, biết tôn trọng để giữ gìn hạnh phúc cho mình cho gia đình và kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đừng coi “sợ vợ” là yếu, mà là một sức mạnh khác của đàn ông: sức mạnh thật sự thì không vì việc nhún nhường vợ mà làm mình yếu đi được. Ngược lại, vợ cũng sẽ càng tôn trọng, ngưỡng mộ và yêu thương mình. Giải pháp: 👍Chuyển từ “sợ” sang “yêu và tôn trọng” Xem vợ là bạn đồng hành ngang hàng, mình tự khắc biết khi nào nên cứng, khi nào nên mềm. 👍Giao tiếp thường xuyên, Thỏa thuận ranh giới rõ ràng Việc nào vợ quyết, việc nào mình quyết, đừng ai ôm hết hay phó mặc hết cho ai. 👍Tự hào khi được gọi là "sợ vợ” Lần sau ai hỏi “sợ vợ à?”, cứ tự tin bảo “Ừ, tao thương vợ tao đấy”. Đấy là đàn ông trưởng thành. --- “Đàn ông sợ vợ sống lâu” — không phải câu đùa vô nghĩa. Đó là dấu hiệu của một người đàn ông chín chắn, vững chãi, mạnh mẽ, tự tin, biết giữ hạnh phúc gia đình và chính sức khỏe mình. Nhà cửa ấm yên, vợ vui, con ngoan, bản thân nhẹ đầu, sống thọ khỏe mạnh... chẳng phải ai cũng muốn vậy sao? Mà nói nhỏ, đàn ông sợ vợ thường là mấy ông thương vợ thật lòng đấy. Bác nào ngán vợ quá muốn phóng vợ vào Vũ trụ thì cũng chỉ đi 10 phút thôi thì ok, chứ đi hẳn là các ông sớm hối hận thôi 🤣
Nếu bạn thấy những điều này có thể sẽ hữu ích với ai đó - đừng ngần ngại chia sẻ lá thư này tới họ nhé!
with love,
Thủy Nguyễn - Certified Thriving Relationship Coach - Chuyên gia khai vấn về Tình cảm - Mối quan hệ được chứng nhận
Truy cập các tài nguyên Miễn phí khác:
|