Điều gì thực sự ở đằng sau cảm giác cô đơn ngay cả khi bạn ở trong một mối quan hệ


Bạn có từng cảm thấy (hoặc nghe thấy) khi một người đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn, mà vẫn cảm thấy cô đơn không?

Bỗng cảm thấy có điều gì muốn chia sẻ, nhưng lại không thể nói ra, không muốn nói ra, hoặc không biết nói thế nào với người yêu/bạn đời của mình?

Có lúc tưởng mình sống cũng tử tế, nhiều bạn tốt lắm, có lúc lại thấy không tìm ra một người để nói chuyện, những câu chuyện không phải ai cũng có thể hiểu và muốn lắng nghe.

Thật ra, cô đơn cũng là cảm xúc rất đỗi bình thường của con người, có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và là chỉ dấu cho một điều gì đó cần chúng ta quan tâm và chăm sóc.

Lí do thứ 1. Sự mất kết nối cảm xúc

  • Cảm giác cô đơn có thể đến từ sự thiếu Thân Mật về mặt Cảm Xúc (Emotional Intimacy): Nhiều cặp đôi rất gần gũi thân thiết về mặt cơ thể và sexual, nhưng lại không để ý đủ đến sự thân thiết về mặt cảm xúc, trong khi đó là một trong những điều quan trọng hàng đầu trong một mối quan hệ. Emotional Intimacy bao gồm việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm ở mức độ sâu sắc, mọi người thường diễn tả là sự “trần trụi”, “naked” khi chia sẻ tất cả những gì mình đang thật sự cảm thấy. Khi thiếu đi sự kết nối này, một trong hai người có thể cảm thấy xa cách về mặt cảm xúc, ngay cả khi họ luôn gần gũi về mặt cơ thể.
  • Sâu hơn nữa, nó có thể liên quan đến Attachment Style - các kiểu gắn bó. Lý thuyết gắn bó của Bowlby nhấn mạnh cách các kiểu gắn bó từ thời thơ ấu có ảnh hưởng đến các mối quan hệ khi trưởng thành. Nghiên cứu cho thấy các kiểu gắn bó không an toàn có liên quan đến mức độ cô đơn cao hơn trong các mối quan hệ, ví dụ dễ thấy nhất là kiểu gắn bó lo âu hoặc né tránh.

Lí do thứ 2. Những kỳ vọng, nhu cầu không được đáp ứng

  • Khi yêu, chúng ta dễ có xu hướng Lý Tưởng Hóa tình yêu và người mình yêu, thậm chí hình ảnh mà chúng ta kỳ vọng về người ấy có thể khác xa so với thực tế. Khi thực tế không đáp ứng được những kỳ vọng này, bạn có thể cảm thấy thất vọng và cô đơn. Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế có thể là nguyên nhân chính gây ra cảm giác cô đơn.
  • Khi đây là trường hợp của bạn, hãy nghiêm túc nhìn lại những mong muốn của mình về mối quan hệ - nó có được xây nên từ những giá trị chân thật bên trong bạn không? Bạn có đang có một kì vọng thực tế hay không? Hay những mong muốn, kì vọng đó đến từ bên ngoài, từ “tiêu chuẩn” của xã hội hay một người nào khác?
  • Nhưng sự thật quan trọng hơn, khi bạn cảm thấy cô đơn vì kì vọng của bạn không được đáp ứng, chưa chắc đã là dấu hiệu mối quan hệ của bạn “doom”. Đôi khi vấn đề chỉ nằm ở hai chữ Giao Tiếp. Khi chúng ta muốn được quan tâm theo cách này, yêu theo cách kia, nhưng lại không muốn lên tiếng nói về nó, lại muốn đối phương “tự hiểu”, vì xấu hổ, vì tự ái bản thân, hay vì cái tôi… Bất cứ điều gì khiến cho quá trình giao tiếp bị “tắc lại” có thể dẫn đến cảm giác xa cách, cô đơn dưới lớp suy nghĩ là người ấy không như mình nghĩ, mối quan hệ không như mình kì vọng.

Lí do thứ 3. Lòng tự trọng và các rào cản tâm lý

  • Lòng Tự Trọng: Một người có tự trọng thấp có thể cảm thấy không xứng đáng với tình yêu hoặc với người yêu, từ đó tự cô lập mình, tự tách mình ra và rơi vào vòng lặp của cảm giác không được quan tâm hoặc chia sẻ từ đối phương.
  • Trầm Cảm và Lo Âu: Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm, và cảm giác cô đơn trong mối quan hệ. Khi có các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu có thể ảnh hưởng đến cách một người nhận thức về mối quan hệ lãng mạn. Bạn có thể lo âu khi không có một lí do hay tác nhân gì cụ thể, hoặc cảm thấy rơi vào vòng xoáy những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, từ đó rút lui khỏi những tương tác với người yêu, và ngày càng cảm thấy cô đơn và cô lập hơn, trong khi những cảm nhận này có thể không phản ánh đúng tình trạng thực tế.

Lí do thứ 4. Không tìm được tiếng nói chung, không cảm thấy được thấu hiểu (Thiếu sự quan tâm chung hoặc giá trị chung)

  • Theo thời gian, khi tìm hiểu về nhau nhiều hơn, các cặp đôi có thể nhận ra rằng họ có những mục tiêu, giá trị hoặc sở thích vô cùng khác nhau, khiến họ cảm thấy khó trò chuyện hơn. Hoặc có thể khi bắt đầu, bạn có những điểm chung nhất định, nhưng qua thời gian, mỗi người có một hành trình phát triển riêng theo những hướng khác nhau, trong khi đó, lại không duy trì sự chia sẻ và kết nối cảm xúc thường xuyên, điều này rất dễ dẫn đến cảm giác cô đơn khi ngày càng cảm thấy không được thấu hiểu.
  • Ngay cả khi sự khác biệt này không lớn đến thế, thì mối quan hệ lâu năm nếu không được nuôi dưỡng thường xuyên có thể khiến cho bạn có cảm giác đơn điệu và nhàm chán vì có vẻ như bạn đã hiểu hết mọi thứ về người kia rồi, không còn gì mới mẻ thú vị.

Lí do thứ 5. Sự cô lập xã hội

  • Một số bạn khi yêu thì gần như cả thế giới xoay quanh người yêu, không gặp gỡ giao lưu với các nhóm bạn khác nữa. Sự phụ thuộc quá mức vào mối quan hệ và người yêu có thể ngầm chứa rủi ro khi hai bạn có vấn đề, mâu thuẫn, bạn mất đi chỗ dựa duy nhất và không có mạng lưới hỗ trợ, không biết chia sẻ với ai, bạn có thể sẽ cảm thấy rất cô đơn. Duy trì mạng lưới hỗ trợ, cộng đồng nâng đỡ là cần thiết với mỗi người dù có đang có một mối quan hệ hay không.
  • Thiếu Hỗ Trợ Xã Hội: Nghiên cứu cho thấy việc có các mối quan hệ xã hội mạnh mẽ ngoài mối quan hệ lãng mạn là điều quan trọng góp phần vào well-being - hạnh phúc của một người. Khi những kết nối này bị thiếu hoặc yếu, một người có thể đặt quá nhiều gánh nặng cảm xúc lên mối quan hệ thân thiết nhất, dẫn đến cô lập với các mối quan hệ xã hội khác và dễ có cảm giác cô đơn.

Cảm giác cô đơn trong một mối quan hệ có thể xuất phát từ nhiều yếu tố tâm lý khác nhau, bao gồm sự mất kết nối cảm xúc, do kiểu gắn bó của chúng ta, do kỳ vọng không được đáp ứng, các vấn đề sức khỏe tâm thần của cá nhân và có thể do thiếu sự hỗ trợ trong các mạng lưới xã hội khác.

Để giải quyết những vấn đề này thường đòi hỏi sự giao tiếp cởi mở giữa bạn và người thương, sự hỗ trợ chuyên nghiệp của chuyên gia tâm lý, chuyên gia khai vấn tình cảm, và đôi khi cần cả hai có khoảng thời gian và không gian an toàn để nhìn nhận lại mối quan hệ của chính mình, xem mối quan hệ của mình đang cần gì để tiếp tục phát triển và gắn kết.

Nhận biết sự mất kết nối, cảm giác cô đơn, và hiểu rõ những điều gì có thể là nguyên nhân sẽ là bước đầu tiên để giúp bạn và người thương vượt qua những cảm giác cô đơn và những thứ phức tạp phía sau trong mối quan hệ này.

Chúc cho bạn và người thương luôn có sự giúp đỡ mà mình cần để thực sự đối thoại, trò chuyện cởi mở và kết nối với nhau, cùng nhau xây dựng mối quan hệ khỏe mạnh và bền vững <3

with love,

Thủy Nguyễn - Relationship Coach - Chuyên gia khai vấn về Tình cảm - Mối quan hệ

Truy cập các tài nguyên Miễn phí khác:

Lovefulnest - True Love Coaching

Đăng ký email để nhận những thông tin sớm nhất và ưu đãi "exclussive" dành cho Subscribers, nghe những câu chuyện, bài học riêng tư, những chiêm nghiệm cá nhân về true love của mình trong hơn 15 năm qua và trong cuộc sống hiện tại, giúp bạn nuôi dưỡng tình yêu và những mối quan hệ khỏe mạnh, lâu bền.

Read more from Lovefulnest - True Love Coaching

Reader thương mến, Hãy để mình kể bạn nghe về một cô gái từng là người luôn tất bật với công việc và những mối quan hệ xung quanh, với việc làm hài lòng người khác. Cô được mọi người yêu quý và khen là ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, được việc. Nhưng không hiểu vì sao, cô vẫn thường cảm thấy có lúc vô cùng lạc lõng, có lúc cảm thấy chán nản và vô nghĩa… Dù làm trong một công ty nước ngoài (mà có vẻ các đồng nghiệp đều rất sung sướng tự hào), có người yêu đưa đi chơi, đi ăn thường xuyên, có bố mẹ...

Giao tiếp là chìa khóa trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu. Tuy nhiên, có một số cách giao tiếp mà chúng ta đã quá quen, tưởng chừng hết sức bình thường và vô hại, nhưng thực ra lại đang âm thầm phá hoại mối quan hệ của bạn. Dưới đây là 5 cách giao tiếp có thể khiến mối quan hệ của bạn “đi vào lòng đất” nếu không cẩn thận. 1. Không chú tâm lắng nghe Lắng nghe không phải là vừa nghe vừa bấm điện thoại, hoặc chỉ tìm cách nhảy vào xen ngang, thanh minh, hoặc đưa ra suy nghĩ của...

Học về Gắn bó, gặp lại một từ - không mới, nhưng có thêm nhiều chiêm nghiệm hơn về nó: đó là từ VULNERABLE: dịch sang tiếng Việt là MONG MANH, hoặc DỄ BỊ TỔN THƯƠNG. Với nhiều người, việc thể hiện cảm xúc thật sự rất khó khăn, vì có thể đã từng trải qua những trải nghiệm trong quá khứ, khi mà những cảm xúc đó không được chấp nhận. Ví dụ như bạn bị bố mẹ mắng và bạn thấy buồn và khóc, bố mẹ bảo “Có gì mà khóc. Nín.”. Khi bạn cố thanh minh vì cảm thấy oan ức, bố mẹ bảo “Câm mồm”. Điều đó gửi...