Lần đầu tiên khóc trước mặt người yêu/chồng


Học về Gắn bó, gặp lại một từ - không mới, nhưng có thêm nhiều chiêm nghiệm hơn về nó: đó là từ VULNERABLE: dịch sang tiếng Việt là MONG MANH, hoặc DỄ BỊ TỔN THƯƠNG.

Với nhiều người, việc thể hiện cảm xúc thật sự rất khó khăn, vì có thể đã từng trải qua những trải nghiệm trong quá khứ, khi mà những cảm xúc đó không được chấp nhận. Ví dụ như bạn bị bố mẹ mắng và bạn thấy buồn và khóc, bố mẹ bảo “Có gì mà khóc. Nín.”. Khi bạn cố thanh minh vì cảm thấy oan ức, bố mẹ bảo “Câm mồm”.

Điều đó gửi đến một thông điệp là “cảm xúc buồn này là sai trái, cảm xúc oan ức là không được chấp nhận”

Từ đó, lần sau mỗi khi bạn cảm thấy buồn, hay oan ức, bạn sẽ không dám thể hiện cảm xúc đó ra, thay vào đó, bạn khoác lên người một chiếc áo cảm xúc khác, có thể là sự “lạnh lùng”, “thờ ơ”, “tức giận”, “ổn”, “không sao” - một cảm xúc hoàn toàn mới, một chiến lược mới để giúp bạn giải quyết ổn thỏa, đi qua những khoảnh khắc khó khăn đó.

Những cảm xúc cốt lõi bên trong, được các nhà khoa học gọi là “Cảm xúc sơ cấp”, và lớp vỏ cảm xúc này, được gọi là “Cảm xúc thứ cấp”.

Thế nhưng chúng còn có một cái tên gọi khác, gợi nhớ rõ hơn về tính chất và vai trò của chúng.

Những cảm xúc sâu thẳm, chân thật hơn bên trong được gọi là “Cảm xúc dễ bị tổn thương” (Vulnerable Emotions): theo đúng nghĩa, là nó rất dễ bị tổn thương.

Những cảm xúc được khoác lên bên ngoài được gọi là “Cảm xúc bảo vệ” (Protective Emotions): theo đúng nghĩa, chúng ta dùng nó để bảo vệ cảm xúc bên trong dễ bị tổn thương kia.

Và đúng như ý nghĩa của nó, “dễ bị tổn thương”, có nghĩa là chúng ta đặt mình vào tình thế, chúng ta hoàn toàn có thể bị tổn thương, thậm chí đến 80-90%, 99% sẽ bị tổn thương.

Đó là cảm giác khi lần đầu tiên mình khóc trước mặt người yêu.

Có những mối quan hệ, mình không bao giờ có thể khóc trước mặt họ. Vì mình không thể chịu được cái rủi ro 100% sẽ bị tổn thương, sẽ bị đánh giá, sẽ bị nhìn bằng đôi mắt khác, thậm chí họ sẽ bỏ chạy nếu nhìn thấy mình như vậy.

Có những mối quan hệ khác mà mình biết, chưa bao giờ dám khóc trước mặt người yêu, người bạn đời của họ, suốt mười mấy năm. Luôn luôn phải gồng, luôn luôn phải đeo những chiếc áo khoác cảm xúc. Luôn cố gắng giải thích, nhưng không thể nào hiểu được người kia thực sự đang nghĩ gì, cảm thấy như thế nào, và chính mình cũng không thể cởi bỏ bộ áo giáp vốn đã mặc quá lâu, gắn quá chặt lên người.

Nhưng rồi mình không chịu nổi. Mình nghĩ, người yêu nhất, thân nhất với mình mà mình không dám khóc, không dám nói ra những suy nghĩ thật sự, cảm xúc thật sự của mình, thì mình còn có thể có ai là bạn thật sự trên đời này?

Rồi lần đầu tiên mình khóc trước mặt người yêu, đấy là khi mình nói chia tay, vì mình không thể chịu được những tổn thương tích tụ trong suốt những năm tháng yêu nhau.

Lần đầu tiên mình thừa nhận, em đã cảm thấy cực kì tổn thương mà không thể nào nói ra - ngay giây phút đó, mình cảm thấy vô cùng mong manh.

Mình đã chấp nhận mình sẽ có thể tiếp tục bị tổn thương: người ta sẽ không lắng nghe, không chấp nhận, sẽ đổ lỗi, hay sẽ chỉ trích. Và dù chia tay được hay sẽ lại níu giữ, giằng co, thì mình vẫn sẽ tiếp tục bị tổn thương như vậy thêm một thời gian nữa.

Sự thật là, người yêu cũ khi ấy cũng khóc, lần đầu tiên anh cũng khóc sau suốt mấy năm yêu nhau, lần đầu tiên anh thể hiện sự bất lực, sự đau đớn. Và cũng lần đầu tiên mình thật sự cảm thấy tình cảm anh dành cho mình trong sáng và chân thành. Vì mình cảm thấy sự nuối tiếc trong mình khi ấy: tại sao yêu nhau như vậy mà lại làm khổ nhau?

Nhưng anh không đổ lỗi, không chỉ trích mình. Anh chỉ lắng nghe, anh chấp nhận. Anh có níu kéo, nhưng anh cũng chấp nhận anh không thể làm gì nữa vì mình đã vô cùng cương quyết.

Đó là một tiến trình tổn thương, khóc và đau trong nhiều ngày sau đó.

Nhưng có một điều mình biết rằng: 𝒌𝒉𝒊 𝒎𝒊̀𝒏𝒉 𝒄𝒉𝒂̂́𝒑 𝒏𝒉𝒂̣̂𝒏 𝒎𝒊̀𝒏𝒉 𝒄𝒐́ 𝒕𝒉𝒆̂̉ 𝒃𝒊̣ 𝒕𝒐̂̉𝒏 𝒕𝒉𝒖̛𝒐̛𝒏𝒈, 𝒍𝒂̀ đ𝒐̂̀𝒏𝒈 𝒕𝒉𝒐̛̀𝒊 𝒎𝒊̀𝒏𝒉 𝒕𝒊𝒏 𝒓𝒂̆̀𝒏𝒈 𝒎𝒊̀𝒏𝒉 𝒔𝒆̃ đ𝒖̛𝒐̛̣𝒄 𝒄𝒉𝒖̛̃𝒂 𝒍𝒂̀𝒏𝒉.

Khi mình học cách đối diện với những cảm xúc của chính mình, học cách ôm ấp nó, thì bỗng nó mang lại rất nhiều sức mạnh cho mình - một trong những sức mạnh đó đến từ niềm tin rằng: mình lớn hơn cảm xúc này, mình lớn hơn nỗi đau này, mình có thể ôm lấy nó, rồi nó sẽ đi qua, và chỉ còn lại mình, toàn vẹn và tự do.

Có lẽ để có thể mong manh hơn, dễ bị tổn thương hơn, thì một người cũng cần cảm thấy đủ an toàn, tin tưởng vào chính mình, vào khả năng tự chữa lành của chính mình.

Khi mình có một chút sự tin tưởng, mình chỉ bộc lộ được một chút những cảm xúc bên trong.

Khi mình có niềm tin lớn hơn, mình có khả năng lớn hơn trong việc ôm ấp cảm xúc của chính mình, thì mình bắt đầu đối diện và bộc lộ được nhiều cảm xúc sâu thẳm và mạnh mẽ hơn.

Đúng là mình đã tổn thương và mất nhiều thời gian để lành lại, nhưng nó không tệ như mình từng nghĩ, mình từng tưởng tượng. Sự thật là anh người yêu cũ khi đó cũng dần hiểu mình hơn, và mình hàn gắn được tổn thương đó hoàn toàn trong vòng 1-2 năm sau đó (điều mà nhiều mối quan hệ trước đã mất đến 10 năm).

Trải qua những lần “đánh liều” bộc lộ sự mong manh, mình càng có thêm can đảm và niềm tin vào bản thân, niềm tin rằng: sự mong manh, có rủi ro của nó, rủi ro mình có thể bị tổn thương (80-90% khả năng), thì vẫn có phần thưởng xứng đáng của nó, là sự thấu hiểu, là sự kết nối, là sự tự do.

Đôi khi đó là sự kết nối với người khác. Đôi khi là sự kết nối lành mạnh với chính mình và những người mình sẽ gặp trong tương lai.

Trong mối quan hệ gần nhất, mình đã có thể khóc trước mặt anh ấy khá là sớm (không phải là một chỉ dấu chung cho mọi người, nhưng riêng với mình nó có ý nghĩa, vì mình vốn không bao giờ khóc trước mặt bất cứ một ai dù đó là bố mẹ hay bạn thân mình).

Và điều mình ngạc nhiên là mình được đón nhận.

Mình được đón nhận mà không phán xét, không bị xem nhẹ, không bị bỏ qua, không bị đánh giá là trẻ con, hay yếu đuối, hay mít ướt, hay vớ vẩn, không có gì cũng khóc. Mình đơn giản là được đón nhận. Anh ấy ở đó, lắng nghe, vỗ về, hiện diện. Và mình càng khóc dữ hơn (thêm một trận thứ 2) vì cảm thấy được chấp nhận, được thương vô điều kiện, vì tủi thân và vì hạnh phúc.

Trong rất nhiều khúc mắc, trăn trở của khách hàng về vấn đề giao tiếp, mình đều nhận thấy một điểm chung: không bộc lộ được cảm xúc chân thật - những cảm xúc mong manh của chính mình cho nhau. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong mối quan hệ cặp đôi, chúng ta luôn đứng trước rủi ro: nếu tôi bộc lộ quá nhiều, quá sớm, đầu tư quá nhiều tình cảm, nhỡ tôi yêu nhiều hơn, sau này tôi sẽ khổ hơn thì sao, nhỡ người kia rời bỏ tôi, tôi mất hết thì sao?

Nhưng, lại nhưng, nó là cảm xúc mong manh mà, dễ bị tổn thương mà, nghĩa là chắc chắn bạn sẽ bị tổn thương rồi, không ít thì nhiều.

Nhưng cũng có những phần thưởng kèm theo đi cùng với nó.

Là sự thấu hiểu. Là sự gần gũi. Là sự gắn bó. Là sự yêu thương.

Mà nếu không risky để thử thì sẽ không bao giờ thực sự có được.

Nếu mình không là người thử đi bước đầu tiên, nếu ai cũng chờ người kia là người mở lòng trước - thì chúng ta sẽ chờ đợi nhau đến bao giờ?

Đừng chờ đến khi khoảng cách đã quá xa, câu chuyện đã quá khó để nói, không thể tự mình giải quyết.

𝑽𝒂̣̂𝒚 𝒍𝒂̀𝒎 𝒔𝒂𝒐 đ𝒆̂̉ 𝒄𝒐́ 𝒕𝒉𝒆̂̉ 𝒃𝒂̆́𝒕 đ𝒂̂̀𝒖 𝒃𝒐̣̂𝒄 𝒍𝒐̣̂ 𝒏𝒉𝒖̛̃𝒏𝒈 𝒄𝒂̉𝒎 𝒙𝒖́𝒄 𝒄𝒉𝒂̂𝒏 𝒕𝒉𝒖̛̣𝒄, 𝒎𝒐𝒏𝒈 𝒎𝒂𝒏𝒉?

  1. Học cách quan sát cảm xúc của chính mình: tự chăm sóc, ôm ấp cảm xúc, chấp nhận, vỗ về mọi cảm xúc của chính mình (mất 2-3 tháng để bắt đầu, và duy trì càng lâu càng tốt). Điều này sẽ giúp tạo sự an toàn và tin tưởng ở bản thân vì dù có không ai dung chứa được những cảm xúc của mình, thì luôn có chính mình đây ôm ấp và chung chứa mình.
  2. Tập bộc lộ từ những cảm xúc giản dị hàng ngày, cảm xúc thứ cấp - bảo vệ cũng được, ví dụ ngay hôm nay đi về gặp vợ/chồng mình, chia sẻ chuyện hôm nay em vui vì cái này, biết ơn vì cái kia… hôm nay anh bực mình, khó chịu vì chuyện này trên cơ quan… ⇒ Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng lòng tin lớn hơn, rằng mình có thể làm được.
  3. Tạo dựng không gian an toàn cho nhau, cho những cuộc nói chuyện giữa hai người. Sự an toàn đến từ sự tôn trọng, nỗ lực thiện chí, tình yêu thương, không phán xét, khả năng đón nhận, ghi nhận, sự lắng nghe, và ngôn ngữ khiêm cung, thiện chí.
  4. Nuôi dưỡng sức bật/khả năng phục hồi (resilience): trong trường hợp xấu nhất bạn bị tổn thương sau khi bộc lộ bản thân mình, hãy tin vào khả năng tự chữa lành, vào những nguồn lực xung quanh sẽ giúp đỡ để bạn làm lành chính mình và trở lại phiên bản tuyệt vời, trọn vẹn. Nuôi dưỡng sức bật tinh thần sẽ giúp bạn có thể phục hồi nhanh hơn sau những tổn thương <3

Nguyện chúc các bạn luôn tìm được tiếng nói chung để giao tiếp và thấu hiểu nhau.

Nguyện cho những cảm xúc chân thực, mong manh nhất được nhìn thấy, được kết nối.

Nguyện cho mọi trái tim sẽ được chữa lành <3

Thủy Nguyễn - Relationship Coach - Chuyên gia khai vấn về Tình cảm - Mối quan hệ


P/S: Tháng 9 & 10, mình sẽ dành tặng 10 buổi Coaching Mối quan hệ cho tối đa 10 cặp đôi hoàn thành Khảo sát (đã có 7 slots được book, còn 3 slots). Đừng bỏ lỡ cơ hội củng cố và phát triển mối quan hệ của mình thực sự bền vững và phát triển ;)

Truy cập các tài nguyên Miễn phí khác:

Lovefulnest - True Love Coaching

Đăng ký email để nhận những thông tin sớm nhất và ưu đãi "exclussive" dành cho Subscribers, nghe những câu chuyện, bài học riêng tư, những chiêm nghiệm cá nhân về true love của mình trong hơn 15 năm qua và trong cuộc sống hiện tại, giúp bạn nuôi dưỡng tình yêu và những mối quan hệ khỏe mạnh, lâu bền.

Read more from Lovefulnest - True Love Coaching

Mình cũng tò mò về điều này nên hỏi Chat GPT. Cùng xem câu trả lời của AI thế nào nhé - mình cũng sẽ thêm vào quan điểm của mình. Người ta thường bước vào cuộc đời bạn vì những lý do rất cụ thể và có lý. Một số người đến để dạy cho bạn những bài học quý giá mà bạn cần học khi đi qua cuộc đời này. Một số khác đến để giúp bạn thoát khỏi những rắc rối hoặc vấn đề mà cuộc sống mang đến. Nhưng luôn có một người đặc biệt xuất hiện trong cuộc đời bạn, và với cả 2 lý do trên :D Là người có thể giúp...

Mình KHÔNG KHUYẾN KHÍCH TẤT CẢ MỌI NGƯỜI KẾT HÔN Làm coaching mối quan hệ, thi thoảng mọi người hay đùa là mình hở ra là xúi mọi người lấy chồng, kiếm người yêu. Nhưng thật ra mình rất KHÔNG KHUYẾN KHÍCH TẤT CẢ MỌI NGƯỜI KẾT HÔN Truyền thông ngoài kia khắc hoạ tình yêu và hôn nhân theo hai chiều hướng cực đoan: Hoặc là cực kỳ đẹp và lãng mạn, như chuyện cổ tích, là những câu chuyện highlight trên tivi, báo đài, là những chuyện tình lay động lòng người. Hoặc là đầy đau khổ, đau thương với...

Bạn có từng cảm thấy (hoặc nghe thấy) khi một người đang ở trong một mối quan hệ lãng mạn, mà vẫn cảm thấy cô đơn không? Bỗng cảm thấy có điều gì muốn chia sẻ, nhưng lại không thể nói ra, không muốn nói ra, hoặc không biết nói thế nào với người yêu/bạn đời của mình? Có lúc tưởng mình sống cũng tử tế, nhiều bạn tốt lắm, có lúc lại thấy không tìm ra một người để nói chuyện, những câu chuyện không phải ai cũng có thể hiểu và muốn lắng nghe. Thật ra, cô đơn cũng là cảm xúc rất đỗi bình thường của...